25/09/2022 by House Fashions

Cha ông ta xưa nay vẫn thường kiêng kỵ làm nhà mới, tu sửa và cưới vợ vào năm tuổi kim lâu. Tuy đây là những kinh nghiệm dân gian hay theo các yếu tố tâm linh không có bằng chứng khoa học cụ thể nhưng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên cẩn thận vẫn hơn. Vậy tuổi kim lâu là gì? Cách tính và giải hạn kim lâu để xây nhà, cưới vợ như thế nào? Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây của Housef để tìm hiểu về tuổi kim lâu là gì nhé.

1. Kim lâu là gì?

Theo quan niệm của người phương Đông, tuổi kim lâu là những năm xấu, không nên tổ chức cưới xin, xây nhà mới, đầu tư kinh doanh,… Nếu bạn vẫn cố tình thực hiện những công việc trọng đại, nhất là tổ chức đám cưới vào năm tuổi kim lâu thì sẽ bị thánh thần trách phạt, mọi thứ đều trở nên trắc trở, khó khăn, vợ chồng lục đục và thậm chí có thể ly hôn.

Kim Lâu là gì?

Tuy nhiên, cũng có một số quan niệm khác về tuổi kim lâu. Theo đó, xuất phát từ quan niệm xưa, khi con gái của vua chúa, giới quý tộc kết hôn, làm nhà thì thường sẽ chọn tổ chức vào tuổi kim lâu để có thể có một cuộc sống sung túc, có điện ngọc, lầu son (kim lâu theo nghĩa Hán Việt “Kim là vàng, Lâu là nhà”, có nghĩa là nhà vàng). Vì vậy, giới quý tộc này sợ con nhà thường dân cưới vào năm kim lâu sẽ đổi vận, trở nên giàu có nên ép thường dân không được cưới xin vào tuổi này. Và theo thời gian, suy nghĩ này ăn sâu vào tiềm thức của con người và nó trở thành mặc định con gái lấy chồng phải tránh tuổi kim lâu và không nên xây nhà hay sửa nhà vào năm này.

Hiện nay người ta chia hạn kim lâu làm 4 loại vận hạn, hay còn được gọi là Tứ Kim Lâu. Tuỳ vào từng loại hạn phạm phải mà sẽ có những thiệt hại khác nhau. Cụ thể như sau:

Kim lâu thân: Nghĩa là kị bản thân mình. Nếu bạn xây nhà phạm phải Kim Lâu thân thì mọi tai họa sẽ đổ lên bản thân người đứng tuổi làm nhà.

Kim lâu thê (vợ): Nghĩa là kỵ người vợ. Nếu người đứng tuổi phạm kim lâu thê xây nhà thì mọi tai họa người vợ sẽ gánh chịu. Còn xét về cưới hỏi, nếu cưới hỏi vào tuổi phạm kim lâu thê thì người chồng lại là người gánh chịu mọi hậu quả.

Kim lâu tử: Nghĩa là kỵ con. Nếu xây nhà phạm Kim Lâu tử thì con cái trong gia đình sẽ là người gánh chịu tai họa thay cho bố mẹ.

Kim lâu lục súc: Đây là hạn không liên quan đến con người nhưng nó gây hoạ cho gia súc, vật nuôi, ảnh hưởng đến kinh tế gia đình.

2. Mục đích của việc tính hạn kim lâu

Ông cha ta thường quan niệm có thờ “có thiêng có kiêng có lành” cho nên khi làm bất cứ một việc gì cũng nên xem ngày lành tháng tốt mà thực hiện. Đặc biệt trong xây dựng nhà cửa, cưới vợ thì yếu tố tâm linh này nên được quan tâm. Và vì bản thân chúng ta là người dương, chẳng thể biết trước được những vấn đề thuộc vào phạm vi tâm linh nên tránh là tốt.

Vì vậy, khi thực hiện các công việc quan trọng nhất là cưới hỏi, làm nhà bạn cần lưu ý tránh những năm hạn để được may mắn và tránh những xui xẻo có thể xảy ra. Hay ít ra trong lòng sẽ cảm thấy yên ổn nhẹ nhõm hơn.

3. Hạn kim lâu áp dụng cho nam hay nữ?

Kim lâu là tuổi không tốt, dễ gặp những điều xui xẻo mà cả nam và nữ đều phải trải qua. Cha ông ta đã có câu tục ngữ “Lấy vợ xem tuổi đàn bà, Làm nhà xem tuổi đàn ông” đã phân chia rõ về cách áp dụng.

Nếu cô gái kết hôn vào tuổi hạn kim lâu thì đầu tiên là hại cho bản thân, sau đó là gây hại cho bạn đời và cả cuộc sống sau này của hai vợ chồng.

Đối với nam giới xây nhà phạm phải hạn kim lâu thì mọi việc thường gặp trắc trở, mùa màng thất bát, kinh doanh buôn bán khó khăn.

4. Cách tính tuổi kim lâu chính xác nhất

Cách tính tuổi Kim Lâu dựa trên Bát Quái

Xây nhà và cưới vợ vào năm tuổi kim lâu là không tốt, vậy cách tính tuổi kim lâu như thế nào. Hiện nay, có bốn cách tính tuổi kim lâu, cụ thể như sau:

Cách thứ 1: Tính cả tuổi mụ, nếu số cuối tức hàng đơn vị là 1, 3, 6, 8 thì phạm tuổi kim lâu hoặc lấy tuổi gồm cả tuổi mụ chia cho 9, nếu dư các số 1, 3, 6, 8 thì được xác đinh năm là tuổi kim lâu. Trong đó: dư 1(Kim lâu Thân), dư 3 (Kim lâu Thê), dư 6 (Kim lâu Tử), dư 8 (Kim lâu Súc).

Cách thứ 2: Tính tuổi Kim lâu theo Hoang Ốc. Theo đó, người ta sẽ làm phép tính cộng các số gồm cả tuổi mụ cho đến khi ra một chữ số mà thuộc các số: 1, 3, 6, 8 thì phạm Kim lâu

Cách thứ 3: Cách tính Kim lâu dựa vào Hậu thiên bát quái và bản đồ Lạc thư cửu cung. Cụ thể, người ta tính tuổi kim lâu theo đốt trên bàn tay để tính tuổi xây nhà.

Có 9 đốt của 3 ngón tay và các số từ 1 đến 9 lần lượt tương ứng với 9 cung là: Khôn, Đoài, Càn, Khảm, Trung cung, Cấn, Chấn, Tốn, Ly. Nếu thuộc 5 cung: Khảm, Ly, Chấn, Đoài, Trung cung thì thuận lợi cho việc xây nhà. Ngược lại, nếu số tuổi rơi vào các cung Khôn (1), Càn (3), Cấn (6), Tốn (8) là phạm kim lâu không xây được nhà.

5. Những tuổi phạm kim lâu phổ biến

Dựa theo các cách tính ở trên, những tuổi phạm kim lâu trong cuộc đời chúng ta chính là: 12, 15, 17, 19, 21, 24, 26, 28, 30, 33, 35, 37, 39, 42, 44, 46, 48, 51, 53, 55, 57, 60, 62, 64, 66, 69, 71, 73, 75… tất nhiên phải bao gồm cả tuổi mụ.

Ngoài ra, theo cách tính Kinh Dịch, áp dụng Hậu Thiên Bát Quái và bản đồ Lạc Thư Cửu Cung có 8 tuổi không phạm kim lâu là: Tân Mùi, Nhâm Thân, Kỷ Sửu, Canh Dần, Tân Sửu, Nhâm Dần, Kỷ Mùi, Canh Thân.

Những người sinh vào các năm này thì có thể làm nhà, lập gia đình bất cứ năm nào mà không lo phạm kim lâu, khi đó chỉ cần tính tuổi phạm Hoang Ốc và Tam Tai để tránh là được.

6. Cách tính và giải hạn kim lâu để cưới vợ

Bên cạnh việc xây nhà thì chuyện cưới xin cũng là việc trọng đại cả đời, sự cẩn trọng trong việc định ngày luôn là điều cần thiết với mong muốn đôi trẻ được trời tác thành hợp ý, gặp nhiều điều may mắn, được hưởng hạnh phúc bền lâu. Vì vậy mà từ xưa cho đến nay người ta vẫn kiêng chuyện cưới xin vào năm tuổi kim lâu.

Cách tính và giải hạn kim lâu để cưới vợ

Thông thường, hai gia đình chọn năm cưới theo tuổi người con gái. Tuổi được cho là đẹp, có thể cưới xin được là những tuổi không phạm vào năm kim lâu.

Hiện nay, có nhiều cách tính tuổi kim lâu từ đơn giản tới phức tạp nên người xem phải nắm vững được phương pháp và có hiểu biết nhất định về việc xem tuổi kim lâu lấy chồng chính xác nhất.

Hiện người ta tính tuổi kim lâu cho nữ phải lấy cả tuổi mụ, nếu số tuổi có các con số cuối là 1, 3, 6 và 8 thì có nghĩa là đã phạm vào hạn. Khi vào các năm vào hạn, không nên tiến hành việc cưới xin, ăn hỏi. Mục đích của việc tính hạn này nhằm giúp người phụ nữ khỏi vất vả trong cuộc sống hôn nhân.

  • Ví dụ: Nữ chủ kết hôn năm 24 tuổi mụ theo dân gian thì không phạm kim lâu nhưng nếu tính theo cách lấy tuổi mụ và chia cho 9 nếu dư ra 1, 3, 6, 8 thì sẽ phạm kim lâu tử do 24/9 = 2 dư 6.

Nhìn ở một góc độ khác thì chuyện kim lâu không phải là trở ngại không thể vượt qua cho các cặp đôi khi chuẩn bị làm lễ cưới. Trong trường hợp, khi người nữ phạm kim lâu mà không thể dời được năm cưới hỏi thì có thể áp dụng cách giải hạn dưới đây:

  • “Cưới 2 lần – xin dâu 2 lần”. Việc này coi như hóa giải tình duyên không thuận, hoá giải việc “đứt gánh giữa đường”.
  • Chờ qua ngày Đông Chí: Theo quan niệm dân gian, nếu năm đó là năm xấu không cưới được có thể chờ qua ngày đông chí là ngày “vô sư vô sách – quỷ thần bất trách” để tiến hành cưới hỏi. Có như vậy thì hai vợ chồng mới hòa hợp, tránh được tai ương, gia đình mới hạnh phúc.
  • Chờ qua sinh nhật tuổi âm của nàng rồi mới kết hôn, bởi lúc đó các nàng đã qua tuổi mới rồi.
  • Ngoài ra, trong cưới hỏi năm kim lâu theo kinh nghiệm ông bà đôi lúc không quan trọng năm mà chỉ cần ngày giờ đẹp thì cũng khá tốt. Hoặc tính tuổi kim lâu chỉ áp dụng với những người phụ nữ dưới 30 tuổi. Các trường hợp trên 30 tuổi tính tuổi lấy chồng thì không cần phải tính tuổi kim lâu mà chỉ cần chọn ngày đẹp, giờ đẹp là có thể kết hôn được.

Nói chung, nếu năm đó là năm tuổi kim lâu nhưng vẫn phải cưới thì cứ thuận theo tự nhiên mà làm không lại lỡ dở chuyện cả đời. Bởi chuyện tính tuổi kim lâu cũng chỉ mang tính dân gian, truyền miệng, lại phụ thuộc vào quan niệm từng vùng miền nên hãy xem đó như liệu pháp tinh thần trong đời sống, chứ không nên quá cứng nhắc, rập khuôn.

7. Cách tính và giải hạn kim lâu để xây nhà

Tư xưa cho đến nay, người Việt chúng ta luôn quan niệm nhà chính là nền tảng của một gia đình, nó giúp gìn giữ, bảo vệ các thành viên trong gia đình. Vậy nên xây nhà là một việc trọng đại của cuộc đời mỗi người.

Để gia đình luôn may mắn, công danh tiền tài mỹ mãn thì ngôi nhà không chỉ đáp ứng các tiêu chí về mặt thẩm mỹ, tính tiện dụng mà còn phải phù hợp với phong thủy, hợp tuổi với gia chủ. Trong đó, việc xem tuổi trước khi tiến hành xây dựng nhà cửa là một điều cần thiết nhằm tránh những vận hạn không may, đặc biệt phải quan tâm đến tuổi kim lâu.

Cách tính và giải hạn kim lâu để xây nhà

Thông thường khi xây nhà người ta sẽ lấy tuổi của nam giới để tính. Tính tuổi kim lâu của nam giới bằng cách: lấy tuổi mụ chia cho 9. Nếu số dư vào các trường hợp sau thì không nên làm:

  • Dư 1- Kim Lâu Thân
  • Dư 3- Kim Lâu Thê
  • Dư 6- Kim Lâu Tử
  • Dư 8: Kim Lâu Súc

Theo quan niệm dân gian đối với người đàn ông có hạn kim lâu thì không nên xây nhà. Việc xây nhà tuổi kim lâu có thể gây ra những tai hại nhất định cho gia đình. Nếu nhẹ thì tán hao tài sản, nặng thì có thể mất mạng hoặc gia đình ly tán.

Nếu năm đó bạn phạm vào kim lâu nhưng ngôi nhà đã quá xuống cấp hay có nhu cầu cần thiết phải xây dựng lại thì gia chủ cũng có thể tiến hành công việc bằng cách giải hạn là mượn tuổi.

Bạn có thể “mượn tuổi” của một người thân trong gia đình hay họ hàng của mình để hoá giải. Lúc này, người được mượn tuổi sẽ thay thay mặt bạn thực hiện công việc cúng bái, động thổ, trông coi giám sát,… đến khi nào qua hạn kim lâu thì làm thủ tục “mua bán âm” nhằm “chuyển quyền sở hữu” sang cho mình.

Nếu trường hợp đã lỡ xây nhà vào năm tuổi kim lâu rồi thì chủ nhà nên làm lễ cúng tạ lỗi với sơn thần thổ địa rồi tiếp tục tiến hành xây dựng căn nhà.

  • Lưu ý: Kiêng làm nhà, lấy vợ năm kim lâu chỉ là truyền miệng, chưa có nghiên cứu nào có thể chứng minh điều này là thật. Vì thế, việc có nên tin vào tuổi kim lâu hay không hoàn toàn sẽ phụ thuộc vào suy nghĩ riêng của mỗi người. Tốt nhất nên chọn lọc, tránh trường hợp tin tưởng thái quá mà không xem xét đúng sai.

Hy vọng rằng những chia sẻ trên đây của chúng tôi đã giúp bạn hiểu được kim lâu là gì cũng như biết cách tính và giải hạn kim lâu để xây nhà, cưới vợ. Tuy nhiên, các bạn cũng nên lấy đó làm tham khảo chứ đừng mê tín quá nhé. Đừng quên thường xuyên truy cập website Housef để cập nhật thêm nhiều thông tin hữu ích về thiết kế nội thất. Cảm ơn bạn đã theo dõi bài viết!

5/5 - (1 bình chọn)