10/06/2023 by House Fashions

Không biết hôm nay mọi người đón chào năm mới như thế nào rồi nhỉ ???. Có người thì sum họp bên gia đình, có người thì tụ tập với bạn bè để đón chào năm mới. Có người thì vùi mình với mớ công việc còn dang dở….

Mình thì hay gửi lời chúc đến tất cả mọi người nhiều sức khỏe và niềm vui mỗi khi đến dịp năm mới. Nhưng chúc không như vậy cũng chỉ là lời chúc mà thôi. Không có trực tiếp tác động gì nhiều đến việc làm mọi người có thêm sức khỏe và niềm vui lâu dài. Vì vậy hôm nay mình ngồi lại đây, dành nguyên 1 ngày đầu năm 2023 để viết bài này chia sẻ đến nhiều anh chị chủ nhà sắp và sẽ làm nhà trong tương lại với một mong muốn giúp mọi người thêm an tâm khi xây nhà. Mà đã an tâm thì có thời gian chăm sóc sức khỏe, sức khỏe nhiều thì niềm vui nhiều. Vậy có vẻ thiết thực hơn lời chúc nhiều nhỉ :). Và thật sự mình mong muốn góp được phần nhỏ nào đó đến với anh chị chủ nhà.

Mình đã gặp không ít trường hợp mà cảm thấy xót cho chủ nhà. Điển hình cũng vừa mới ngày hôm nay thôi. Có chị Huyền chủ nhà ở Bình Tân chia sẻ với mình rằng: ” Xây nhà là điều ám ảnh nhất cuộc đời của Chị. Lo kiếm tiền xây nhà đã quá mệt mỏi, lúc thi công lại càng thêm mệt mỏi. Khiến Chị suy sụp tinh thần. Không ăn không ngủ được. Nằm xuống là ám ảnh nghe tiếng văng vẳng của thầu”. Hỏi thử nếu anh chị mà gặp tình trạng như vậy thì liệu có vui được không, sức khỏe có đảm bảo được không?. Chuyện là Chị này vì quá mệt mỏi và bị nhà thầu liên tục tìm cách để xin tạm ứng trước khối lượng, rồi tìm đủ mọi cách tính phát sinh rồi áp những đơn giá bất hợp lý nhằm lấy thêm tiền. Trong khi chất lượng làm thì không tốt. Mình biết không phải riêng chị Huyền mà ngoài kia còn rất rất nhiều chủ nhà cũng bị như vậy.

Cũng vì tin tưởng nhau mà anh chị chủ nhà lơ là trong việc làm hợp đồng. Làm nhà thì đâu ai muốn chuyện không hay xảy ra. Làm nhà thật sự không khó. Chỉ khó là ở ” Lòng Người” mà thôi.

Khi cái tình không còn thì phải giải quyết bằng lý. Và hợp đồng thi công là cơ sở cuối cùng để giải quyết công việc giữa chủ nhà và nhà thầu khi có vấn đề xảy ra.

Vì tin tưởng nên thời gian vừa qua có rất nhiều anh chị nhờ mình tư vấn về vấn đề xây nhà. Khá bất ngờ là mình thấy rất nhiều bản hợp đồng thi công được ký rất sơ sài, thậm chí là viết tay, kèm theo đó toàn là những điều khoản bất lợi dành cho chủ nhà. Lúc đó mình suy nghĩ là nếu lỡ mà 2 bên “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt” thì chủ nhà biết lấy cơ sở gì để giải quyết khi mà cái tình nó đã hết. Cuối cùng thì chủ nhà cũng là người ngậm ngùi chịu thiệt. Rồi rút kinh nghiệm. Mà làm nhà thì đời người làm được mấy lần đâu. Ai làm được 1 lần đã là hạnh phúc lắm rồi.

Vì vậy một hợp đồng chặt chẽ, đầy đủ điều khoản cần thiết cho chủ nhà là vô cùng quan trọng. Cho dù anh chị làm nhà to hay nhỏ, làm với người quen hay người lạ thì mình khuyên nên làm hợp đồng rõ ràng hết.

Thực ra mình nghĩ nhiều chủ nhà cũng biết là vấn đề hợp đồng thi công xây dựng rất quan trọng. Nhưng vấn đề quan trọng hơn là nên đưa những điều khoản, nội dung nào vào hợp đồng để đảm bảo cho việc thi công ngôi nhà của bạn trở nên an tâm thì chủ nhà không biết được.

Mình biết khi mình viết bài này sẽ có nhiều nhà thầu sẽ không thích. Vì tất cả những điều dưới đây toàn là những cái nhà thầu không mong muốn cho chủ nhà biết. Vậy những điều chủ nhà cần lưu ý gì làm hợp đồng là gì?

👉 Thứ nhất: Bảng khối lượng, đơn giá.
Không có đơn giá chi tiết cho từng hạng mục. Khi có phát sinh tăng hoặc giảm, Nhà thầu áp đơn giá không hợp lý, không rõ ràng. Vì vậy Chủ nhà nên yêu cầu nhà thầu có trách nhiệm cung cấp đơn giá chi tiết của từng công tác thi công (Xây tường, tô tường, sơn nước, đổ bê tông, gia công lắp dựng cốt thép, gia công lắp dựng cốp pha, nhân công thi công điện nước lạnh, nóng, ốp lát gạch, cán nền…) để phục vụ cho công tác phát sinh tăng hoặc giảm (nếu có). Và nhà thầu phải thông báo cho Chủ nhà về khối lượng phát sinh có sự xác nhận của chủ nhà hoặc đại diện chủ nhà trước khi thực hiện.

👉 Thứ 2: Về điều khoản thanh toán.
Thường nhà thầu sẽ đề nghị tạm ứng sau khi ký hợp đồng từ 20 – 30% thậm chí lên tới 50%, và thanh toán đến 70 – 80% sau khi xong phần thô. Việc chủ nhà thanh toán vượt khối lượng sẽ gây bất lợi lớn vì trong quá trình thi công, khi gặp sự cố nhà thầu có thể bỏ chạy không tiếp tục thi công, gây thiệt hại về tài chính cho chủ nhà khi phải tìm kiếm nhà thầu khác. Vì vậy chỉ nên tạm ứng tối đa 5-10% GTHĐ sau khi ký tùy quy mô công trình, và có thể ứng thêm 5-10% sau khi nhà thầu tập kết vật tư máy móc bắt đầu thi công.
Đồng thời:
– Dựa vào tiến độ thanh toán, chia nhỏ từng giai đoạn thanh toán, mỗi đợt từ 5 – 10% GTHĐ, thanh toán đến phần xây tô không quá 70% GTHĐ.
– Những đợt đổ bê tông chỉ thanh toán đến 80% giá trị đợt thanh toán, sau khi có kết quả chứng minh bê tông đạt chất lượng thanh toán 20% vào đợt tiếp theo.
– Ràng buộc điều khoản chỉ thanh toán đến 70% giá trị khối lượng công việc đã nghiệm thu nếu Nhà thầu tự ý bỏ dở công việc đang thi công.

👉 Thứ 3: Điều khoản bảo hành.
Không có % giữ lại bảo hành hoặc % giữ lại với thời gian bảo hành ít. Khi xảy ra sự cố trong thời gian sử dụng, Nhà thầu trì trệ trong công tác bảo hành, với chi phí sửa chữa lớn hơn chi phí còn giữ lại nhà thầu có thể không thực hiện công tác sửa chữa. Vì vậy giá trị bảo hành giữ lại tối thiểu 3-5% GTHĐ tùy vào quy mô công trình cho thời gian bảo hành từ 12 – 24 tháng. Phải có điều khoản bảo hành rõ ràng ràng buộc nhà thầu trong trường hợp công tác bảo hành chậm trễ.

👉Thứ 4: Nghĩa vụ của nhà thầu.
– Yêu cầu nhà thầu phải có kỹ sư giám sát tại công trường.
– Đưa ra điều khoản phạt, chịu trách nhiệm đối với nhà thầu trong trường hợp xảy ra sự cố và vi phạm an toàn, vệ sinh tại công trường
– Quy định rõ chi phí thí nghiệm vật liệu và bê tông thuộc trách nhiệm của Nhà thầu
– Đưa ra điều khoản phạt đối với trường hợp nhà thầu nhập và sử dụng sai vật tư theo hợp đồng
– Quy định rõ trách nhiệm thuộc nhà thầu phải xử lý với trường hợp công trường không đạt chất lượng hoặc xảy ra sự cố
– Quy định rõ thời gian báo nghiệm thu của nhà thầu
Bởi vì:
– Nhà thầu thường giao khoán lại công trình cho các đội nhỏ lẻ, khi không có người trực tiếp đứng giám sát -> ảnh hưởng đến chất lượng công trường, mọi vấn đề xảy ra tại công trình không được giải quyết nhanh chóng
– Khi có sự cố về an toàn, an ninh trật tự, sự cố liên quan đến các nhà lân cận, công trình liền kề nhà thầu thường trốn tránh không chịu trách nhiệm, hoặc yêu cầu chủ nhà chịu mọi chi phí xử lý đó do HĐ không có ràng buộc
– Nhà thầu thường không thực hiện công tác thí nghiệm để chứng minh chất lượng vật tư đầu vào, chất lượng bê tông. Riêng đối với công tác bê tông bắt buộc phải có thí nghiệm.
– Để tối ưu hóa chi phí, Nhà thầu sẽ ưu tiên nhập vật tư kém chất lượng với chi phí thấp để sử dụng trong thi công -> Ảnh hưởng đến chất lượng công trình sau này
– Khi chất lượng không đạt, có sự cố nhà thầu sẽ chậm trễ trong công tác xử lý hoặc không chịu trách nhiệm.

👉 Thứ 5: Điều khoản phạt hợp đồng:
Điều khoản phạt không rõ ràng, mức phạt thấp, mức phạt dành cho chủ nhà cao hơn Nhà thầu khi đó khoản phạt không đủ răn đe Nhà thầu khi trễ tiến độ, dẫn đến công trường bị kéo dài hơn nhiều so với dự kiến. Vì vậy nên đưa ra các điều khoản liên quan đến phạt tiến độ dành cho NT, mức phạt thấp nhất 0.05 – 0.1%/ GTHĐ/ ngày chậm trễ và đưa ra các điều khoản phạt, chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng nếu bên B vi phạm.

Trên đây là những lưu ý quan trọng trong khi làm hợp đồng thi công xây dựng. Anh chị nào cần một bộ hợp đồng mẫu đầu đủ thì có thể nhắn tin hay coment bên dưới để mình gửi nhé!!!.

Cảm ơn anh chị đã đọc bài viết chia sẻ này nhé.
#Chuyenxaynha

Đánh giá bài viết